Trong các loại chó nuôi, chó Phú Quốc là giống có “hàm lượng” hoang dã cao nhất, cả trong cơ thể và tính cách. Chúng cũng có khả năng tự kháng bệnh cao nhất.
Một con chó chết oan
Hai năm trước tôi được tặng 3 con chó Phú Quốc vện 3 tháng tuổi. Tôi giữ 2 con, 1 đực 1 cái và tặng lại cho bạn tôi ở TP.HCM một con chó cái.
Chó của bạn tôi rất đẹp và rất chuẩn: tai dựng, đuôi vót cần câu, ngoài xoáy lưng còn có 12 cái xoáy khác. Bạn tôi quý chó nên cho nó ăn còn sướng hơn mình, 2 ngày tắm một lần, sạch bong. Được khoảng 3 tuần, chó của bạn tôi bắt đầu ăn ít lại và tiêu chảy, bạn tôi sợ nó mất nước nên cho uống nước đường, nó tiêu chảy tiếp và nôn. Bạn tôi đưa chó vào thú y cấp cứu, tại đây người ta chích thuốc, truyền dịch, 2 ngày sau thì chó… chết.
Tôi hoàn toàn không hay biết gì, đến khi chó chết rồi bạn tôi mới “báo tử” và kể lại quá trình chăm sóc, điều trị.
Tôi hỏi thầy Ưng Viên. Thầy bảo lẽ ra con chó ấy không chết. Chó bị tiêu chảy là bình thường, do thay đổi môi trường, do ăn những thức ăn lạ, chó chưa kịp thích nghi, nhưng vài hôm nó sẽ tự khỏi, khi đó nó sẽ bắt đầu thích nghi được với môi trường mới.
Có thể chó chết vì 2 nguyên nhân: nước đường và cấp cứu truyền dịch. Đường, cũng như các loại gia vị của người, là những thứ đại kỵ đối với chó. Chó khỏe ăn đường hệ tiêu hóa sẽ rối loạn và sinh bệnh, chó yếu ăn đường thì… tắc tử. Còn các bác sĩ thú y, khi chữa bệnh cho chó nhiều vị tuyên bố nước đôi, người nuôi chó may nhờ rủi chịu.
Sở dĩ chó Phú Quốc dễ bị bệnh khi thay đổi môi trường là do cái hàm lượng hoang dã cao của nó. Nhưng hầu hết các bệnh sẽ tự khỏi, không cần chữa trị, miễn là có nơi sinh hoạt tự nhiên tối thiểu cho chó. Một cái vườn, một ao nước, vài bụi tre, xung quanh có cây cỏ, là điều kiện cần để chó Phú Quốc sống không bệnh tật.
Cái ăn không tách rời chốn ở
Loài chó nguyên thủy nói chung không ăn uống như chó nuôi bây giờ. Chúng ăn các loài thú nhỏ và côn trùng, bổ sung thêm bằng một số loại củ, rễ, lá cây (nhưng không phải loại rau lá nào con người ăn được cũng thích hợp với chó) và… gặm đất. Chúng tự kháng bệnh bằng các thứ thức ăn bổ sung này, mắc bệnh gì và cần thứ gì chúng khắc tìm ra thứ đó để tự chữa, chẳng cần ai “chỉ dẫn”.
Các nhà khoa học Nga khẳng định rằng, một con chó mắc bệnh dại, nếu thả nó vào rừng, tự nhiên nó sẽ khỏi bệnh. Nếu quan sát những con chó nuôi nhốt trong nhà, mỗi khi thả ra ngoài chúng ta sẽ thấy việc đầu tiên chúng làm là gặm đất. Ấy là lúc chúng tự cân bằng thể trạng.
Hệ tiêu hóa của chó xa lạ với ngũ cốc, khác một cách căn bản với hệ tiêu hóa của con người. Lấy hệ tiêu hóa của người làm chuẩn, rồi chế biến các loại thức ăn cho chó với bao nhiêu phần trăm là chất bột, là đạm, là chất béo, là vitamin, là chất khoáng… là không hiểu gì về hệ tiêu hóa của loài chó.
Mỗi loài chó trong quá trình tiến hóa, hệ tiêu hóa của chúng dần dần thích nghi với điều kiện môi sinh và sản vật tại chỗ. Điều kiện môi sinh đó quy định cấu tạo sinh học đặc thù của từng loài chó. Thích nghi, nhưng hệ tiêu hóa của chúng vẫn cứ là hệ tiêu hóa của chó, không biến thành hệ tiêu hóa giống người được. Con người bắt chúng phải ăn cơm, ăn bắp, không có gì khác thì chúng phải ăn, dù hệ tiêu hóa của chúng lâu ngày cũng có thích nghi dần với cơm với bắp, nhưng chỉ tiêu hóa được không đáng kể.
Bạn thử cho con chó của bạn ăn một cục xương hoặc cái chân gà và ít hạt bắp, nhìn phân của nó bạn sẽ thấy xương tiêu hóa hết còn hạt bắp thì vẫn còn nguyên.
Đối với chó Phú Quốc, do sống trên đảo, thiên nhiên phú cho chúng khả năng bơi lội, do đó mà thức ăn của chúng ngoài những thứ trên rừng còn có những thứ dưới biển như cá, tôm, sò, ốc… Người nuôi chó Phú Quốc nên lưu ý điều đó để bổ sung thêm thức ăn bằng hải sản cho chó.
Tóm lại, thức ăn tốt nhất cho chó Phú Quốc là thịt, xương, và các bộ phận khác của động vật (sống hoặc nấu chín) và các loại hải sản. Tùy theo điều kiện của người nuôi, nhưng dù giàu có cũng chỉ nên mua những loại rẻ tiền nhất. Đối với chó, thứ mắc tiền và thứ rẻ tiền đều như nhau.
Khứu giác và thính giác của chó tinh gấp hơn 1 vạn lần con người (chúng có thể nghe được tiếng động đất ở độ sâu 30 km), nhưng hầu như “mù” về vị giác, chúng ăn theo mùi, không ăn theo vị.
Càng cho chó ăn ít ngũ cốc bao nhiêu càng… đỡ tốn kém bấy nhiêu, ăn vào cũng không sao, chỉ đầy bụng nhưng chẳng bổ béo gì bao nhiêu cho cơ thể chó. Và chớ cho chó Phú Quốc ăn thức ăn chế biến công nghiệp, đặc biệt phải tránh xa mọi thứ nước như vitamin, men tiêu hóa và “thực phẩm chức năng” các loại, kể cả loại dành riêng cho chó.
Chó Phú Quốc cũng không cần rau quả của người, chúng sẽ tự kiếm các loại rau cỏ theo nhu cầu bản năng của chúng, cho chúng ăn rau quả chúng cũng từ chối, trộn vào thịt cá chúng sẽ ăn, nhưng sẽ thải ra nguyên vẹn, không tiêu hóa được.
Cái ăn của chó Phú Quốc liên quan mật thiết với chốn ở. Những thứ con người cho chúng ăn là chưa đủ, chúng phải có không gian để tự tìm những thức ăn mà chúng thiếu, dù chỉ vài lá cây dăm ba cọng cỏ nhưng con người không đủ khả năng cung cấp, bởi không thể biết khi nào thì chúng cần đến thứ gì.
Để kết thúc phần này, bạn hãy hình dung cuộc sống của các sinh vật trong rừng núi tự nhiên: tất cả các cây, các con đều khỏe mạnh, không cây nào cần thuốc bảo vệ thực vật, không con nào cần đến thú y. Thiên nhiên tự mình cân bằng, tự mình hoàn thiện. Thuận với thiên nhiên thì sống, nghịch với thiên nhiên thì chết, triết lý đó cũng là “bí quyết” nuôi chó Phú Quốc. (Còn tiếp).
Hoàng Hải Vân
Nguon: thanhnien.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét